BARUCO Hành trình vươn mình từ cây cao su đến tầm nhìn công nghiệp xanh

BARUCO: Hành trình vươn mình từ cây cao su đến tầm nhìn công nghiệp xanh

 

Từ một doanh nghiệp nông nghiệp truyền thống, Công ty CP Cao su Bà Rịa đang từng bước định hình chiến lược phát triển mới – kết hợp sản xuất cao su, nông nghiệp công nghệ cao và khu công nghiệp xanh, với người lao động làm trung tâm chuyển đổi.

 
 
Gốc rễ từ đất đỏ, đà bật từ nội lực

Công ty CP Cao su Bà Rịa, tên giao dịch quốc tế là Baria Rubber Joint Stock Company (viết tắt là BARUCO), có trụ sở đặt tại Quốc lộ 56, ấp Đức Trung, xã Ngãi Giao, TP HCM. Doanh nghiệp được thành lập ngày 11/6/1994 theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, khởi đầu với 4 nông trường gồm Xà Bang, Cù Bị, Bình Ba (huyện Châu Đức cũ) và Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc cũ), cùng với 2 nhà máy chế biến mủ cao su có công suất tổng cộng 21.000 tấn/năm. Khi ấy, BARUCO quản lý tổng diện tích trên 13.500 ha, với gần 5.000 lao động, và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng, khai thác, chế biến và kinh doanh mủ cao su thiên nhiên.

Công nhân BARUCO đang cạo mủ cao su
Công nhân BARUCO đang cạo mủ cao su

Ngày 24/12/2009, Công ty được chuyển đổi mô hình từ doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa theo đề án của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Sau đó, theo Quyết định số 485/QĐ-HĐTVCSVN, BARUCO tiếp tục được phê duyệt cổ phần hóa, trở thành công ty cổ phần trực thuộc Tập đoàn. Hiện nay, Công ty có vốn điều lệ 1.125 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước do Tập đoàn nắm giữ chiếm 97,47%, tương đương hơn 1.096 tỷ đồng.

Kết quả sản xuất kinh doanh toàn nhiệm kỳ vừa qua cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ: Tổng doanh thu đạt hơn 2.605 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch, trong đó doanh thu từ mủ cao su là 2.022 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 733 tỷ đồng (vượt gần 67%), số nộp ngân sách Nhà nước hơn 373 tỷ đồng và thu nhập bình quân người lao động đạt trên 10,3 triệu đồng/tháng.

Công nhân BARUCO đang thu gom mủ cao su để đưa về nhà máy
Công nhân BARUCO đang thu gom mủ cao su để đưa về nhà máy

Trong năm 2024, Công ty đã khai thác được hơn 7.200 tấn mủ, tiến hành tái canh 214,5 ha vườn cây và thu mua thêm gần 728 tấn mủ từ các hộ tiểu điền. Tổng sản lượng chế biến đạt hơn 8.770 tấn. Doanh thu cả năm là gần 497 tỷ đồng, trong đó doanh thu cao su chiếm khoảng 390 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 152,9 tỷ đồng và sau thuế là 134,3 tỷ đồng – tương ứng 153% so với kế hoạch. BARUCO chia cổ tức ở mức 7%.

Lấy người lao động làm gốc: Giữ người – Giữ rừng – Giữ nghề

Trước áp lực cạnh tranh lao động từ các khu công nghiệp, ngay từ đầu năm 2025, Công ty đã triển khai chiến lược tuyển dụng hướng ra ngoài địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc. Tại tỉnh Hà Giang, các đoàn công tác của BARUCO đã đi đến từng xã, từng thôn để tuyên truyền, vận động người lao động nhàn rỗi vào làm việc cho Công ty. Kết quả là đến giữa năm, Công ty đã có 250 lao động đồng bào gắn bó – tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng công nhân khai thác chính gồm 811 người, trong khi tổng số lao động trung bình trong tháng 6/2025 là 1.178 người. Tính trong 6 tháng đầu năm, bình quân lao động toàn Công ty là 1.087 người. Ngoài tạo việc làm, BARUCO còn hỗ trợ xây nhà ở, cung cấp vật dụng thiết yếu và đảm bảo các chế độ phúc lợi để người lao động an tâm gắn bó.

Công nhân BARUCO đang cho mủ cao su vào các hồ chứa của nhà máy
Công nhân BARUCO đang cho mủ cao su vào các hồ chứa của nhà máy

Tiền lương cũng là điểm sáng. Trong tháng 5/2025, Công ty đã điều chỉnh phương thức trả lương theo hướng công khai, minh bạch, gắn với năng suất thực tế và có hỗ trợ công chuyên cần do sản lượng đầu vụ thấp. Nhờ đó, mức thu nhập bình quân trong tháng 6/2025 đạt hơn 13 triệu đồng/người – tăng hơn 6 triệu so với cùng kỳ 2024. Bình quân thu nhập 6 tháng đầu năm cũng đạt hơn 7,6 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 3 triệu so với năm trước.

Ông Trần Khắc Chung – Tổng Giám đốc Công ty – nhấn mạnh: "Tại BARUCO, chúng tôi không xem người lao động là chi phí, mà là vốn quý. Giữ được công nhân là giữ được rừng, giữ được nghề. Vì vậy, chúng tôi luôn đặt họ làm trung tâm của mọi chiến lược phát triển.”

Từ cao su đến công nghiệp xanh: Chiến lược chuyển mình dài hạn

Nhìn xa hơn, BARUCO đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tổng doanh thu khoảng 3.700 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ ngành cao su vẫn là trụ cột với hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng sẽ tăng tỷ trọng đóng góp từ các lĩnh vực khác như nông nghiệp công nghệ cao (trên 173 tỷ đồng), khu công nghiệp (hơn 663 tỷ đồng) và các hoạt động thương mại, dịch vụ (gần 777 tỷ đồng). Tổng lợi nhuận trước thuế cả giai đoạn dự kiến đạt 1.002 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 586 tỷ đồng và thu nhập người lao động phấn đấu vượt mức 13,5 triệu đồng/người/tháng.

Hướng tới việc phát triển xanh BARUCO đã sử dụng dăm củi để đốt thay cho các nhiên liệu hóa thạch
Hướng tới việc phát triển xanh BARUCO đã sử dụng dăm củi để đốt thay cho các nhiên liệu hóa thạch

Năm 2025, kế hoạch sản xuất kinh doanh được xây dựng chi tiết với sản lượng khai thác mủ là 8.800 tấn, sản lượng chế biến 11.800 tấn và tiêu thụ 9.800 tấn. Tổng doanh thu dự kiến là 593,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 181 tỷ đồng, chia cổ tức gần 90 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2025, Công ty đã khai thác được 2.223 tấn mủ – đạt 25,3% kế hoạch, thu mua mủ tiểu điền gần 590 tấn và chế biến được hơn 3.170 tấn. Doanh thu cao su đạt hơn 57 tỷ đồng, chiếm 13,3% kế hoạch cả năm, với tổng doanh thu đạt gần 61 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm ước đạt 57,7 tỷ đồng – đạt gần 32% kế hoạch.

Sản phẩm dùng để xuất khẩu của BARUCO
Sản phẩm dùng để xuất khẩu của BARUCO

Song song sản xuất, BARUCO đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ VII, Đại hội cổ đông thường niên và Hội nghị người lao động kết hợp tuyên dương điển hình giai đoạn 2020–2025.

Trong 6 tháng cuối năm, Công ty đặt mục tiêu vượt 10% sản lượng kế hoạch, quyết tâm đạt sản lượng 9.680 tấn. Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm: tiếp tục tái canh – trồng đúng thời vụ, tìm kiếm khách hàng tiềm năng để tiêu thụ mủ với giá bán tốt nhất, tổ chức thăm hỏi động viên công nhân kịp thời, và đặc biệt là xúc tiến làm việc với các sở, ngành TP.HCM để đề xuất làm chủ đầu tư khu công nghiệp.

Ông Trần Khắc Chung - Tổng Giám đốc BARUCO phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí gần đây
Ông Trần Khắc Chung - Tổng Giám đốc BARUCO phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí gần đây

Ông Trần Khắc Chung cho biết: "Chúng tôi không chỉ phát triển cao su, mà còn hướng tới một hệ sinh thái sản xuất – chế biến – công nghiệp xanh, nơi giá trị bền vững là nền tảng. BARUCO muốn trở thành một mô hình nông nghiệp công nghiệp hiện đại, hiệu quả và có trách nhiệm với con người.”

BARUCO – từ một doanh nghiệp thuần nông – đang viết tiếp chương mới bằng tầm nhìn công nghiệp xanh và chiến lược nhân văn. Trên vùng đất đỏ miền Đông, nơi cây cao su bén rễ bền bỉ, hành trình của BARUCO là minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ, sâu sắc và mang tầm dài hạn.

 Tiến Dũng

https://baophapluat.vn/baruco-hanh-trinh-vuon-minh-tu-cay-cao-su-den-tam-nhin-cong-nghiep-xanh